Là một nước nông nghiệp, nếu nắm bắt được lợi thế cũng như có chính sách phù hợp, thị trường kho lạnh của Việt Nam được đánh giá là sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân cùng với sự phát triển của thị trường hàng hoá.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, tăng 15% so năm 2020.
Nhu cầu lớn
Không chỉ có kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản tăng trưởng nhanh mà dù chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng sản lượng hàng hóa thông quan qua cảng biển của Việt Nam năm 2021 vẫn đạt trên 700 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; trong đó, hàng container đạt gần 24 triệu TEU, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng hóa nhanh chóng gia tăng sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ cá loại hình dịch vụ logistics, trong đó có kho lạnh.
Ngoài ra, Việt Nam luôn được đánh giá là nơi phát triển mảng bán lẻ thương mại hiện đại. Đây cũng là đòn bẩy chính để thúc đẩy và phát triển mảng kho lạnh, vì khoảng 70-80% nhu cầu của thị trường bán lẻ đến từ các ngành hàng thực phẩm.
Nhìn nhận về tiềm năng của việc đầu tư kho lạnh tại Việt Nam, TS Lê Thanh Hòa (Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản), cho biết thời gian gần đây, hoạt động đầu tư cho dịch vụ phát triển kho lạnh của Việt Nam đã có sự gia tăng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy và củng cố giá trị của chuỗi cung ứng, từ đó cho thấy tiềm năng lớn cho phân khúc kho lạnh.
Bảo quản lạnh là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là đối với hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Theo khảo sát của Euromonitor, chỉ tính riêng thị trường thực phẩm cần vận chuyển lạnh trong ngành bán lẻ cũng đã đạt trung bình khoảng 1,2 tỷ USD/năm. Nếu tính cả các loại dược phẩm chăm sóc sức khỏe, quy mô chuỗi cung ứng lạnh có thể lên đến 10 tỷ USD/năm. Đó là chưa kể lĩnh vực thủy, hải sản, vắc xin...
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng khai thác mảng này như Mekong Logistics, MP Logistics, Vinafco Vietnam, ABA Cooltrans, Transimex… Các doanh nghiệp đều đầu tư số tiền không nhỏ cho các kho lạnh. Chẳng hạn như THACO đã đưa vào hoạt động kho lạnh trái cây tại cảng Chu Lai (Quảng Nam) với diện tích 4.800 m2, sức chứa 2.400 tấn, gồm 3 phân khu: Khu vực nhập hàng và xuất hàng có 6 dock (bến/trạm) để xe container và xe sơmi rơ-moóc thùng lạnh thực hiện nhận/xuất hàng. Khu vực đỗ xe chờ rộng rãi có thể đáp ứng số lượng 6 xe/lượt.
Hay CTCP Hùng Vương đưa vào vận hành kho lạnh tại khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân, TP.HCM) với diện tích gần 4ha, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Kho được lắp đặt 60.000 pallet, sức chứa từ 60.000-70.000 tấn hàng hóa…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nguồn cung kho lạnh của Việt Nam chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó khoảng 65% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã đầu tư vào ITL Corp để phát triển kho lạnh, kho dự trữ hàng hóa tại khu vực TP.HCM. Hay mới đây là công ty logistics thuộc Alibaba xây dựng trung tâm kho vận thông minh lớn nhất tại Việt Nam, rộng 90.000 m2, trong đó có kho lạnh để phân phối hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu.
Một thực tế khác đó là dịch Covid-19 phức tạp khiến tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu Trung Quốc hay hủy đơn hàng xảy ra làm cho lượng hàng hóa cần bảo quản lạnh gia tăng. Nhu cầu lớn nhưng hiện nay, 96% là các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên không đủ tiềm lực đầu tư kho lạnh, từ đó chưa phát huy được tiềm năng của mảng kho lạnh trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Vietgo cho biết dù đã có những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kho lạnh nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ của thị trường. Có doanh nghiệp chỉ đầu tư riêng lẻ như kho làm mát, kho lạnh hoặc kho đông lạnh mà chưa tích hợp nhiều dịch vụ nên chưa phát huy hết hiệu quả chuỗi cung ứng.
Chi phí lớn, chưa có chính sách khuyến khích
Với lượng hàng hóa ngày càng lớn, chắc chắn nhu cầu về kho lạnh ở Việt Nam ngày càng nhiều. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Emergen, ước tính khối lượng kho lạnh sẽ tăng 13,8%/năm.
Còn theo báo cáo của Cushman & Wakefield, thị trường chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam đạt 169 triệu USD vào năm 2019. Trong bối cảnh nhu cầu phân phối vaccine lớn cũng như sự tăng trưởng trong chế biến nông sản và tiêu dùng, thị trường kho lạnh Việt Nam dự kiến sẽ chạm mốc 295 triệu USD vào năm 2025, tức là tăng trưởng khoảng 12% hàng năm.
Tuy nhiên, có một thực tế là so với các thị trường trong khu vực, chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và manh mún. Việc đầu tư kho lạnh vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân là vì để đầu tư hệ thống kho lạnh cần phải có nguồn vốn lớn, lên đến hàng trăm tỷ trở lên.
PGS TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết do các ngành hàng luôn luôn phát triển và đa dạng các mặt hàng nên đòi hỏi nhà cung ứng dịch vụ kho lạnh phải không ngừng đổi mới và cải tiến quy trình cũng như công nghệ để bảo đảm chất lượng hàng hóa.
“Với chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp nhiều lần so với việc xây dựng kho thông thường, các đơn vị cung cấp dịch vụ kho lạnh thường sẽ phải thuê diện tích xây dựng từ 10-30 năm để đảm bảo khoản đầu tư đã bỏ ra”, ông Tuấn nói.
Chính vì lẽ đó nên giá thuê kho lạnh cũng cao hơn nhiều so với các loại kho khô thông thường. Tùy thuộc vào loại thiết bị bảo quản lạnh (ướp lạnh hoặc tủ đông), mức phí thuê có thể dao động từ 50-90 USD/m2; giá thuê bảo quản dược phẩm từ 45 -160 USD/m2…
Ngoài vấn đề giá cả, một rào cản khác đó là chính sách. Hiện, chưa có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kho lạnh. Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết hiện đã có chính sách hỗ trợ lãi suất 0%/năm trong 2 năm đầu và giảm 50% lãi suất trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ có công suất từ 5.000 pallet trở lên. Tuy nhiên, quá trình vay vốn rất rườm rà, phức tạp nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp.
“Nếu được quan tâm hơn nữa, Việt Nam không chỉ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp nội đầu tư vào kho lạnh. Và nếu làm được được đó, trong thời gian gần, các doanh nghiệp Việt sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh 50% thị phần của ngành hàng kho lạnh”, ông Toản nói.
Theo VNBUSINESS