Việt Nam tăng hạng trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Phạm Minh Phương - 26/06/2023

 

Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

"Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu”, ông Trần Thanh Hải cho hay.

Tuy nhiên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, như: Chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể.

Các doanh nghiệp logistics cần bắt tay với nhau

Ông Hậu Hồng Băng, Phó Chủ tịch kiêm đại diện Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) chia sẻ: Sau sự ra đời và tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các công ty logistics cần hợp tác với nhau để đối phó với thương mại điện tử. Điều này đã hình thành một mô hình hợp tác kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong logistics.

“Có một vấn đề trong logistics là chuỗi cung ứng lạnh. Các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỉ trọng rất lớn. Đối với việc vận chuyển thực phẩm chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhiều loại thực phẩm cần giữ tươi sống phải vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, điều này càng làm thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Hậu Hồng Băng nói.

Thực tế là hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã thấy rõ các điểm yếu cũng như dư địa phát triển của lĩnh vực logistics và đang đẩy mạnh đầu tư, đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng Giám đốc Ratraco cho hay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tìm kiếm thêm các đối tác vận tải, kho bãi, đối tác cung ứng trang thiết bị, như container lạnh, thiết bị IoT (các thiết bị có khả năng kết nối internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu cho nhau), phần mềm, công nghệ xử lý làm sạch, khử khuẩn để tiếp tục hoàn thiện giải pháp vận tải container lạnh trên đường sắt cả nội địa và quốc tế cung cấp cho thị trường.

"Vấn đề này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, giải pháp vận tải lạnh cho các chủ hàng không chỉ nội địa, mà còn là giải pháp đáng quan tâm cho chủ hàng khi cung ứng, vận chuyển hàng lạnh vào sâu lục địa thị trường Trung Quốc", ông Hùng nói.

Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (tên viết tắt VILOG) được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Công ty VINEXAD. Ảnh minh họa

Lần đầu tiên tổ chức triển lãm quốc tế logistics Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên tại Việt Nam, Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam (VILOG) được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và đối tác.

Triển lãm sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10-12/8, tại Nhà B, Trung tâm Triển lãm và hội nghị TPHCM (SECC, 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TPHCM). Đây sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp.

Tính đến hiện tại, VILOG 2023 đã nhận được đăng ký tham gia từ hơn 150 doanh nghiệp với trên 200 gian hàng đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ: Bỉ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Nga, Nhật Bản, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Italy, Việt Nam.

Bên cạnh đó, triển lãm ghi nhận sự tham gia của các thương hiệu lớn và lâu đời của Việt Nam trong ngành logistics tại Hải Phòng và Đà Nẵng, với bãi container, dịch vụ kho vận và phân phối, vận tải container đường bộ....

Một trong những phân ngành được quan tâm nhất tại VILOG 2023 là ứng dụng công nghệ logistics. Trước làn sóng mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh, đầu tư, ứng dụng công nghệ logistics được đánh giá là giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng trong thời gian tới.

Điểm đặc biệt, VILOG 2023 sẽ được tổ chức đồng thời gian và địa điểm với Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống và bao bì đóng gói lần thứ 27 (Vietfood & Beverage - Propack). Mối giao thoa giữa 2 triển lãm sẽ tạo thành chuỗi liên kết gia tăng hiệu quả thương mại, đa dạng hóa nguồn cung ứng, thúc đẩy cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nội và ngoại khối.

Chuỗi sự kiện dự kiến sẽ có quy mô trên 1.000 gian hàng trưng bày, dự kiến thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, chào đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan giao dịch trong 3 ngày triển lãm.

Liên Phương Express là đơn vị Logistics, kho vận bao gồm hệ thống kho lạnh lớn quy mô trên 7.500 tấn và kho thường với quy mô trên 20.000m2 sàn, có vị trí đắc địa tải cửa ngõ Hải Phòng, luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng.

                                        Theo Báo Chính Phủ Điện tử  (baochinhphudientu.vn)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
avatar
Xin chào
close nav