Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương ở Việt Nam có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics như: Có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc; có nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động logistics tại Hải Phòng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Để ngành dịch vụ logistics ở Hải Phòng phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, thời gian tới, Thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về logistics, tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản nhất thì logistics là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc của các công ty logistics là lập kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu của khách hàng đặt ra.
Để cạnh tranh hiệu quả trong ngành này, các công ty phải luôn cải tiến và chú trọng đến yếu tố số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả dịch vụ. Bên cạnh nghiệp vụ giao - nhận, ngành dịch vụ logistics còn bao gồm những hoạt động khác như bao bì, đóng gói, kho bãi, lưu trữ, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hỏng… Nếu làm tốt ở công đoạn logistics này, các doanh nghiệp (DN) sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí về vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận cho công ty.
Thực trạng phát triển ngành dịch vụ logistics tại TP. Hải Phòng
Hải Phòng là cửa ngõ của khu vực phía Bắc, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hôi to lớn và hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc, đứng thứ hai toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh). Hải Phòng nhiều DN lớn trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ cảng biển và logistics... Để tận dụng những lợi thế này, trong những năm qua, TP. Hải Phòng luôn chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng logistics với mục tiêu nhằm xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics hiện đại của đất nước.
Từ năm 2016 - 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng tăng cao qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Hải Phòng đạt 78,9 triệu tấn, năm 2017 đạt 92 triệu tấn, năm 2018 đạt 109 triệu tấn, năm 2019 đạt 130 triệu tấn. Điều này cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ở Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay (Hình 1).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Hải Phòng là đầu mối giao thông của phía Bắc với đủ 5 loại hình giao thông bao gồm: Đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa. Tại Hải Phòng, có nhiều DN cảng, vận tải, xuất nhập khẩu, tiềm năng về phát triển logistics hàng đầu cả nước. Các DN trong nước và nước ngoài đến với Hải Phòng đầu tư phát triển logistics liên tục gia tăng. Cho đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có hơn 500 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có nhiều trung tâm logistics lớn như: Trung tâm logistics của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An… Hệ thống cảng biển và hàng không, cùng các điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi là tiền đề cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics tại TP. Hải Phòng.
Tiềm năng, lợi thế về dịch vụ cảng, dịch vụ logistics sẽ ngày càng có cơ hội phát triển khi các dự án quan trọng như: Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ và đi vào hoạt động. Như vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại và đồng bộ đã giúp dịch vụ logistics ở địa phương này có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
Một lợi thế khác là sự ra đời của khu bến cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với khả năng tiếp nhận tàu biển lớn và tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế sẽ gia tăng nhanh chóng lượng hàng hóa (Dự báo, năm 2020, hàng hóa thông qua các cảng biển trên địa bàn TP. Hải Phòng đạt từ 109 - 114 triệu tấn; năm 2025 đạt từ 161,4 - 181,5 triệu tấn và năm 2030 đạt từ 178,5 - 210 triệu tấn), kéo theo đó là sự phát triển mạnh mẽ nhu cầu đối với các loại hình dịch vụ logistics.
Cùng với đó, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua đàm phán và ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Đây là những chất “xúc tác” cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, gia tăng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua khu vực cảng biển Hải Phòng, là cơ hội để phát triển dịch vụ logistics.
Thực tế cho thấy, hiện nay, Hải Phòng có khoảng 20 trung tâm logistics, nhưng phần lớn là nhỏ, chỉ phục vụ được một hoặc một số ít DN; chỉ tham gia vào một vài hoạt động trong chuỗi logistics. Trong bối cảnh đó, năm 2020, Hải Phòng đặt mục tiêu hình thành 4 trung tâm logistics với tổng lượng hàng hóa qua các trung tâm đạt khoảng 71,6 triệu tấn/năm (trong đó đạt 4,01 triệu Teu công-ten-nơ/năm), đảm nhận từ 40-50% tổng lượng hàng có nhu cầu dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố.
Theo định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của TP. Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, TP. Hải Phòng sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics, nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn (công-ten-nơ) hàng hóa thông qua các cảng. Từ năm 2020 - 2030, Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: Xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định, dịch vụ hỗ trợ vận tải…
Với nền tảng định hướng quy hoạch trên, TP. Hải Phòng chuyển hóa loại hình dịch vụ logistics tự cấp, tự có (1PL) sang tập trung hoàn thiện loại hình dịch vụ 2PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 2) và ưu tiên phát triển dịch vụ 3PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 3 hoặc theo hợp đồng) vào năm 2020. Sau năm 2020, tập trung chuyển đổi loại hình dịch vụ 2PL, 3PL và ưu tiên phát triển cấp cao hơn như 4PL (nhà cung cấp logitics chủ đạo) và 5PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 5)… Việc đưa cấp 4PL, 5PL vào quy hoạch thể hiện quyết tâm rất lớn của TP. Hải Phòng hướng đến dịch vụ logistics chuyên nghiệp.
Một số khó khăn, thách thức trong phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng
Mặc dù, đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng quá trình phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Cụ thể:
- Chưa có các chính sách hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics. Hải Phòng chưa có chính sách ưu đãi giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được.
- Hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng hiện vẫn chịu sự quản lý và giám sát của đa cấp, đa ngành, chưa có những cơ chế chính sách cụ thể giúp ngành dịch vụ logistics của Hải Phòng phát triển, gây nhiều chồng chéo phức tạp.
- Hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
- Dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm DN phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả…
- Chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.
- Hệ thống hạ tầng logistics chưa có các khu dịch vụ logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển. Các khu kho hàng, bến bãi dịch vụ vệ tinh chưa được quy hoạch, phát triển tự phát, nhỏ lẻ bám theo các cảng, gây tình trạng lộn xộn, manh mún, chưa gắn kết với các cảng cạn tại khu vực hậu phương, các trung tâm sản xuất tiêu thụ hàng hóa chủ yếu.
Giải pháp phát triển dịch vụ logistics tại TP. Hải Phòng
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, TP. Hải Phòng cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics theo hướng hiện đại, thu hút DN mạnh trong lĩnh vực logistics tham gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực logistics; cùng với đó phải quan tâm thu hút, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Hai là, tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một trung tâm logistics phát triển với các chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động logistics như giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics; Giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được.
Ba là, nghiên cứu phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn Thành phố gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế của Hải Phòng, đồng thời liên kết với các trung tâm logistics khác trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Bốn là, huy động tối đa các nguồn lực từ bên ngoài như: Vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hình thức hợp tác công – tư (PPP), xã hội hóa cho phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố.
Năm là, đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối các trung tâm logistics với khu vực cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối với các vành đai và hành lang kinh tế theo đúng quy hoạch đã đề ra.
Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics (hệ thống giao dịch không giấy tờ, thanh toán điện tử, giao dịch trực tiếp…); xây dựng cổng thông tin giao dịch thương mại trên nền thông tin logistics tích hợp với thuế, hải quan, ngân hàng điện tử để tạo mối liên kết thúc đẩy loại hình dịch vụ logistics phát triển.
Nguồn: Tạp chí tài chính.vn
Unsance Trả lời
19/12/2022Teach to avoid alcohol, benzodiazepenes, opiods, and antihistamines because of increased risk for CNS depression coupons for cialis 20 mg