Những nguy cơ với thương mại Việt Nam khi đối mặt dịch coronavirus

Bộ Công Thương khẳng định thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc chiến chống dịch coronavirus.

Bộ Công Thương cho biết các biện pháp phòng chống dịch coronavirus đã và đang gây ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (nặng nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới), du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics... Hoạt động xuất nhập khẩu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn có thể từ 6 đến 8 tháng.

Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng, ảnh hưởng đến tiêu thụ cà phê; chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi-lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản.

Chợ biên giới mở chậm khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn; Khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương nhìn nhận phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỉ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỉ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

Trước tình hình trên, Bộ này đã đưa ra cảnh báo gửi tới Bộ Nông nghiệp, các tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản; yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình hình dường như vẫn chưa khả quan vì xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, nhất là xuất khẩu trái cây, do được ưu đãi về thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc, vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn, do đó vẫn phải chờ đến khi nào biên giới mở cửa lại. Trong khi đó, các mặt hàng trái cây lại chịu sức ép thời vụ và bảo quản (cao su, cà phê, tinh bột sắn và thủy sản đỡ hơn) nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn.

Tại cuộc họp khẩn đánh giá tác động từ dịch coronavirus tới nền kinh tế sáng 4.2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.

“Trong bối cảnh hội nhập mới nhưng lại có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì sẽ tác động như thế nào đến hoạt động giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đây là lúc chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành kinh tế”, người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh.

Nguồn: Một thế giới

                                                                                                      Tuyết Nhung

                                                    

avatar
Xin chào
close nav